Giữ chân người lao động bằng trái tim
Chị Xồng Y Lìa (người dân tộc Mông, đến từ Nghệ An) vào làm công nhân cho tổ sản xuất Phú Thọ - Nông trường Đức Phú được hơn một năm. Những tưởng, phận công nhân có lương có gạo là vui rồi. Nhưng cuộc đời nông trường của chị cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Chị Lìa nói: “Ở quê, mình là lao động tự do, hết vụ lúa thì ai thuê gì làm đó nên thu nhập không ổn định. Còn vào đây làm công nhân, tháng nào cũng được nhận lương, được nông trường cấp thêm gạo, nước mắm, mì chính, muối, dầu ăn, mì tôm. Nhất là mỗi khi gặp khó khăn, tổ trưởng và đồng nghiệp nơi đây giúp đỡ mình rất nhiệt tình”.
Không giấu được nét rạng rỡ, chị Bùi Thị Mỹ – Tổ trưởng tổ sản xuất Phú Thọ tươi cười chia sẻ với chúng tôi về “bí kíp” giữ chân lao động: “Anh em công nhân mới được tuyển dụng đến đây làm việc còn rất nhiều khó khăn. Với truyền thống lá lành đùm lá rách, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ họ bằng tất cả những gì có thể để anh, chị em yên tâm công tác, an cư lạc nghiệp”.
Tại tổ sản xuất Phú Thọ (trực thuộc Nông trường Đức Phú), trước tình trạng giá mủ và thu nhập thấp, nhiều công nhân nghỉ việc để đến làm cho các khu công nghiệp. Tình trạng thiếu hụt lao động còn diễn ra ở 5 nông trường khác của Cao su Quảng Nam.
Anh Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Nông trường Đức Phú cho biết: “Trước tình hình thiếu hụt lao động ở nhiều nông trường, công ty đã chỉ đạo chúng tôi tăng cường công tác tuyên tuyền đến những gia đình công nhân. Để người thân, người quen của họ ở quê biết về chế độ chính sách dành cho công nhân cao su. Đồng thời, hỗ trợ cho những lao động mới về nơi ăn chốn ở, lương thực, thực phẩm và đơn giá tiền lương… để công nhân yên tâm lao động”.
Đồng hành và chia sẻ với lao động mới, Công đoàn công ty thường xuyên tổ chức đến thăm hỏi, động viên và trao những phần quà ý nghĩa, giúp NLĐ từng bước vượt qua khó khăn.
Đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể khác trong công ty cũng không đứng ngoài cuộc. Chị Mai Đào Đài Trang – Phó Bí thư Đoàn thanh niên công ty cho hay: “Đoàn thanh niên cũng tích cực kêu gọi các đoàn viên quyên góp quần áo, vật dụng cũ để tặng cho những gia đình công nhân mới đến lập nghiệp. Nhờ vậy, người lao động mới yên tâm, hăng say lao động, góp phần vào việc công ty đã khai thác tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023”.
Thuê nhà dân làm điểm khởi nghiệp cho công nhân
Khi chúng tôi đến, 3 gia đình đang quây quần cùng nhau trong căn nhà 3 gian cũ kỹ. Sau lời giới thiệu của chị Chu Thị Hòa – Tổ trưởng tổ sản xuất Phú Cường, chúng tôi được biết đây là căn nhà Nông trường Đức Phú đã thuê của người dân gần một triệu mỗi tháng để bố trí cho các gia đình công nhân định cư tạm thời.
Xen giữa câu chuyện của chúng tôi, anh Thành chia sẻ: “Chúng tôi có nhiều phương án hỗ trợ công nhân mới, bởi khi mới đến họ cần được bố trí nơi ăn chốn ở. Song điều kiện tài chính của công ty có hạn trong việc xây dựng các nhà tập thể, nên phương án thuê lại nhà của người dân để cho lao động mới lưu trú là khả thi và hiệu quả nhất”.
Có một thực tế là những người gắn bó với Nông trường Đức Phú hầu hết đều có nhiều năm công tác, thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài. Những gia đình này đều có kinh tế phụ với rừng keo, tràm, chăn nuôi, ruộng lúa.
Anh Và Bá Chư là một người dân tộc Mông đến từ Nghệ An, vào làm công nhân cho tổ sản xuất Phú Thọ đã hơn một năm. Anh cho hay: “Mình cũng đi làm công nhân ở nhiều công ty cao su trong Đồng Nai, nhưng nơi đó xa quê quá, có việc gì về không kịp. Đến đây làm vừa gần nhà, vừa được công ty tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở, giúp vợ chồng mình yên tâm cạo mủ. Anh em ở đây rất thân thiện, vui vẻ nên mình thấy như đang sinh sống, làm việc ở quê nhà”.
Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam còn thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ đúng lúc, kịp thời như BHXH, BHYT, BHTN. Họ hỗ trợ công nhân khó khăn sửa chữa nhà cửa, làm đường giao thông, trao tặng “Mái ấm công đoàn”. Họ tích cực vận động, quyên góp đồ dùng cũ hỗ trợ lao động mới… Những việc làm đầy trân quý ấy của công ty đã nhận lại được sự tin yêu, tin tưởng của người lao động.
Người ta nói “đất lành, chim đậu”. Nghe tâm tình gan ruột từ những công nhân xa quê, chúng tôi nghĩ rằng, họ chắc chắn đã xem đây là đất lành để an trú đời mình và cống hiến.
Theo: Tạp chí Nông thôn Việt
PV: Gia Linh