Người lao động là hạt nhân để tạo bước đột phá
Không chỉ oằn mình chống chọi với thiên tai, bão lũ, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam còn bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid -19. Khó khăn chồng chất khó khăn khi trên địa bàn Công ty đứng chân liên tục có những khu công nghiệp mọc lên, tạo áp lực và sự cạnh tranh về lao động.
Trong hoàn cảnh ấy, lãnh đạo Công ty đã sáng tạo trong điều hành quản lý, chủ động đối phó với khó khăn và cùng nhau đoàn kết với tầm nhìn chiến lược là lấy người lao động (NLĐ) làm trung tâm, là hạt nhân để công ty tạo bước đột phá, từng bước vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Mai Văn Pháp – Phó Tổng Giám đốc Công ty cho hay: “Sau trận đại dịch Covid -19, 2 cơn bão lớn liên tục trong 2 năm sau đó khiến vườn cây của Công ty ảnh hưởng nghiêm trọng. Năng suất, sản lượng vườn cây đi xuống thấy rõ, cộng thêm giá bán thấp, thu nhập NLĐ khó được đảm bảo. Do vậy, hàng loạt công nhân xin nghỉ việc, các nông trường, tổ sản xuất hụt hơi với kế hoạch được giao”.
Với quyết tâm nhanh chóng đưa Công ty dần thoát khỏi khó khăn, lãnh đạo Công ty đã tích cực chăm lo đời sống NLĐ bằng nhiều cách khác nhau như tăng đơn giá tiền lương, phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ lao động khó khăn nhu yếu phẩm mùa nghỉ cạo... Đồng thời, tổ chức đi học tập các mô hình quản lý, thu tuyển lao động ở một số công ty trong ngành.
Để đáp ứng lao động cho vườn cây khai thác, lãnh đạo Công ty đã cử cán bộ đến một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa… tuyển dụng lao động với nhiều chế độ ưu đãi và cam kết về sự ổn định công việc lâu dài, thực hiện đầy đủ các quyền lợi cho NLĐ theo quy định của Nhà nước. Nhờ vậy, Công ty đã nhanh chóng tuyển dụng đủ lao động đáp ứng yêu cầu công việc khai thác mủ của 6 nông trường.
Riêng 3 tháng đầu năm 2024, Công ty đã tuyển dụng được 190 lao động từ các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, trong đó có 160 lao động đang được đào tạo tay nghề. Theo anh Pháp: “Đây là nguồn lao động được chính những gia đình công nhân vào trước tuyên truyền, vận động sau khi những hộ công nhân này về quê đón Tết Nguyên Đán”.
Với nguồn lực lao động ổn định, công việc khai thác mủ trong những tháng đầu năm 2024 của Công ty đã có sự khởi sắc đáng kể. Đến hết tháng 3/2024, Công ty đã khai thác được 530 tấn, đạt 16% kế hoạch và tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có những thay đổi lớn, dự kiến kết thúc năm 2024 Công ty sẽ có doanh thu khoảng 137 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt 15 tỷ đồng.
Phát triển bền vững và ổn định
Tiền thân là Lâm trường Hiệp Đức, được thành lập từ năm 1998 với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hạn chế tình trạng phá rừng, làm rẫy và giúp bộ mặt nông thôn miền núi khởi sắc, đến nay, Cao su Quảng Nam đã có 26 năm hình thành và phát triển.
Trên hành trình ấy, tập thể Cao su Quảng Nam luôn đồng tâm hiệp lực, đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giao; nỗ lực không ngừng để doanh nghiệp phát triển và chăm lo tốt đời sống NLĐ. Theo đó, Công ty đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn sự phát triển ổn định của doanh nghiệp với việc tạo sinh kế bền vững cho người dân ở địa phương 6 huyện, 18 xã của tỉnh Quảng Nam.
Chia sẻ mục tiêu, định hướng phát triển, anh Thái Bảo Tri – Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và NLĐ, đưa Công ty phát triển đúng với tầm vóc của một đơn vị lớn ở khu vực Duyên hải miền Trung và có thương hiệu trong ngành”.
Xác định phát triển bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường, Công ty thường xuyên đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải ở nhà máy chế biến theo công nghệ mới; lắp đặt hệ thống lọc khí thải tại lò sấy để giảm thiểu ô nhiễm không khí, sử dụng hóa chất khử mùi nhằm đáp ứng yêu cầu môi trường của địa phương.
Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp để tham gia vào quy trình sản xuất sạch, đó là hạn chế sử dụng các loại thuốc cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, hạn chế sử dụng phân hóa học, thay vào đó công ty từng bước chuyển sang sử dụng các loại phân vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Vào năm 2021, Công ty đã xây dựng kế hoạch, phương án trồng rừng bền vững cho toàn bộ diện tích Công ty đang quản lý; xúc tiến việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho trên 1.700ha và thực hiện chuỗi hành trình sản phẩm cho nhà máy chế biến mủ.
“Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục lên kế hoạch, tìm kiếm các đối tác để phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao; trồng rừng theo tiêu chuẩn phát triển bền vững… Từ đó, xây dựng Công ty trở thành một doanh nghiệp phát triển mạnh, ổn định và bền vững” - anh Tri chia sẻ.
Theo: Tạp chí Nông thôn Việt
Phóng viên: Văn Vĩnh